Xem một số hướng dẫn tại

Hướng dẫn gửi bài sửa và bản giải trình các ý kiến của phản biện.

---------------------------------------------------------------------------

Phạm vi xuất bản

Tạp chí Dinh dưỡng và Thực phẩm xuất bản các bài báo gồm các công trình nghiên cứu gốc, báo cáo trường hợp, tổng quan, phương pháp nghiên cứu, bình luận, giới thiệu sách và thông tin khoa học công nghệ về khoa học dinh dưỡng, thực phẩm và các lĩnh vực khác có liên quan, cụ thể gồm:

  • Các phương pháp kỹ thuật sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp, bảo quản sản phẩm và liên quan đến chất lượng, số lượng và thành phần các chất dinh dưỡng;
  • Công nghệ thực phẩm và thành phần các chất dinh dưỡng;
  • Thiết kế công thức và sản xuất các sản phẩm dinh dưỡng cho các đối tượng đích;
  • Thành phần hóa học các chất dinh dưỡng trong thực phẩm;
  • Nghiên cứu về khẩu phần của cá thể, của cộng đồng và ứng dụng;
  • Nhu cầu dinh dưỡng và cơ cấu bữa ăn của người Việt Nam;
  • Tình trạng dinh dưỡng (suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì, thiếu vi chất dinh dưỡng) của tất cả các đối tượng và mối liên quan đến sức khỏe, tăng trưởng, phát triển và chất lượng cuộc sống;
  • Mối liên quan giữa dinh dưỡng và các rối loạn và bệnh tật (ví dụ: đái tháo đường týp 2, rối loạn lipid máu, hội chứng chuyển hóa, tăng huyết áp, ung thư);
  • Nuôi con bằng sữa mẹ, ăn bổ sung;
  • Đánh giá tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân trong bệnh viện;
  • Thiết kế thực đơn và đánh giá hiệu quả áp dụng thực đơn;
  • Dinh dưỡng điều trị trong bệnh viện, bao gồm cả nuôi dưỡng đường tĩnh mạch và tiêu hóa;
  • Các báo cáo trường hợp điều trị dinh dưỡng và kinh nghiệm;
  • Chăm sóc dinh dưỡng phòng bệnh cho người nguy cơ cao mắc các bệnh mạn tính (như đái tháo đường, rối loạn lipid máu, béo phì, bệnh tim mạch, tăng huyết áp...;
  • Chăm sóc dinh dưỡng điều trị cá thể cho người bị bệnh mạn tính tại cộng đồng
  • Tương tác giữa dinh dưỡng và hoạt động thể lực;
  • Các sản phẩm lên men và vai trò trong dinh dưỡng và phòng bệnh;
  • Đánh giá hiệu quả bổ sung các vi chất dinh dưỡng cho các đối tượng khác nhau;
  • Dinh dưỡng cho sự tăng trưởng và phát triển ở các giai đoạn khác nhau của chu kỳ vòng đời từ bào thai đến tuổi già);
  • Dinh dưỡng duy trì và nâng cao sức khỏe ở các đối tượng và lứa tuổi (bà mẹ, trẻ em, vị thành niên, tiền mãn kinh, mãn kinh, người cao tuổi,…);
  • An ninh lương thực, giám sát dinh dưỡng;
  • Dinh dưỡng học đường và đặc trưng dinh dưỡng cho các ngành nghề;
  • Các phương pháp và mô hình nghiên cứu dinh dưỡng và thực phẩm trên người;
  • Các phương pháp và mô hình nghiên cứu dinh dưỡng và thực phẩm dựa trên trên tế bào và động vật thí nghiệm;
  • Hệ vi sinh vật đường ruột, chuyển hóa các chất và dinh dưỡng;
  • Di truyền gen-hệ gen người và hấp thu, chuyển hóa các chất dinh dưỡng;
  • Ảnh hưởng của các chất dinh dưỡng đến biểu hiện gen và sức khỏe, bệnh tật;
  • Sinh học phân tử chuyển hóa các chất dinh dưỡng;
  • Sinh lý dinh dưỡng, chuyển hóa cơ bản, hoạt động thể lực;
  • Tương tác thuốc và thực phẩm;
  • Kỹ thuật nấu ăn, chế biến món ăn và dinh dưỡng;
  • Vệ sinh ăn uống, vệ sinh an toàn thực phẩm;
  • Các yếu tố văn hóa , xã hội học và dinh dưỡng;
  • Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm.
  •  

Quy định về đạo đức công bố

Khi nộp bài cho Tạp chí, tác giả và các đồng tác giả cam kết:

(1) Bản thảo gửi đăng phải là công trình khoa học do chính các tác giả thực hiện.

(2) Có trách nhiệm tuân thủ đạo đức nghiên cứu và công bố công trình khoa học;

(3) Chịu trách nhiệm cá nhân về nội dung của bài báo, sự chính xác và tính liêm chính học thuật của nội dung công trình khoa học (trích dẫn nguồn đầy đủ và đúng quy định; Các dữ liệu, kết quả phân tích là trung thực và không bị ngụy tạo và/hoặc chỉnh sửa). 

 

Trách nhiệm của tác giả

Tác giả và các đồng tác giả bài báo đăng trên Tạp chí cần tuân thủ một số quy định về trách nhiệm như sau:

(1) Chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung của nghiên cứu, bao gồm độ chính xác và tính toàn vẹn của nghiên cứu. Nội dung bài báo chưa được xuất bản hoặc trong quá trình xem xét xuất bản ở bất kỳ tạp chí nào khác.

(2) Tuân thủ quy định về quyền tác giả, bao gồm việc liệt kê các tác giả có đóng góp đáng kể và có ý nghĩa cho tạp chí cũng như loại trừ những ai không đóng góp cho bài báo hoặc không liên quan đến nghiên cứu. Các tác giả cần cân nhắc kỹ danh sách và thứ tự các tác giả trước khi gửi bản thảo của mình.

(3) Nếu nghiên cứu có sự tham gia của con người, cần đảm bảo sự chấp thuận về mặt đạo đức và thông tin về sự chấp thuận này trong bài báo.

(4) Bản thảo cần được biên soạn theo hướng dẫn quy định của Tạp chí.

(5) Các tác giả cần trả lời nhanh chóng bất kỳ câu hỏi nào trong quá trình xuất bản và sẵn sàng cung cấp các tài liệu minh chứng cho bản thảo (khi được hỏi).

(6)Các tác giả nên nêu rõ trong bản thảo của mình tất cả các xung đột lợi ích có thể có trong bản thảo, bao gồm các mối quan hệ tài chính, tư vấn, thể chế và các mối quan hệ khác có thể dẫn đến sự thiên vị hoặc xung đột lợi ích.

(7) Khi tác giả phát hiện ra sai sót nghiêm trọng hoặc không chính xác trong tác phẩm đã xuất bản của mình, tác giả có nghĩa vụ thông báo ngay cho tổng biên tập và hợp tác với thư ký tòa soạn để rút lại hoặc sửa chữa sai sót.

 

Bản quyền và cam kết của tác giả

Trước khi bài báo được chấp nhận đăng, tác giả liên hệ đại diện cho nhóm tác giả của bài báo ký bản cam kết với Tổng biên tập của Tạp chí Dinh dưỡng và Thực phẩm những nội dung sau:

(1) Tác giả liên hệ đại diện cho nhóm tác giả chịu trách nhiệm về bài báo;

(2) Mỗi tác giả được đứng tên đầu tối đa 2 bài báo trong một số tạp chí;

(3) Bản thảo gửi đăng là công trình lần đầu tiên công bố, chưa được đăng trên bất kỳ một tạp chí nào trong nước hoặc và quốc tế;

(4) Số liệu trình bày trong bài báo là trung thực và là kết quả nghiên cứu của chính nhóm tác giả có tên trong bài thực hiện;

(5) Tất cả các tác giả có tên trong bài trên đều đã đọc bản thảo, đã thỏa thuận về thứ tự tác giả và đồng ý gửi đăng;

(6) Không có bất kỳ sự xung đột về lợi ích nào giữa các tác giả trong bài và với tác giả khác;

(7) Nghiên cứu đã thực hiện đúng các khía cạnh đạo đức trong nghiên cứu;

(8) Tác giả chịu trách nhiệm trước công luận và những quy định liên quan của Việt Nam về các nội dung của bài báo;

(9) Tạp chí Dinh dưỡng và Thực phẩm có toàn quyền sử dụng bài báo này sau khi được công bố để quảng bá tới bạn đọc.

 

CÁC LOẠI BÀI BÁO

  • Nghiên cứu gốc
  • Nghiên cứu trường hợp
  • Tổng quan
  • Phương pháp nghiên cứu
  • Bình luận
  • Giới thiệu sách
  • Thông tin khoa học

 

ĐỊNH DẠNG CHUNG CỦA CÁC BÀI BÁO

  • Tất cả các bài gửi đăng đều phải được chế bản tiếng Việt, sử dụng các thuật ngữ, phiên âm, đơn vị đo lường thống nhất theo quy định của Nhà nước. Bài báo được định dạng file Microsoft Word, hình ảnh dạng: *.tif hoặc *.jpg, sử dụng bảng mã Unicode: TCVN 6909:2001, kiểu chữ Times New Roman, khổ A4, cỡ chữ 12, khoảng cách giữa các dòng là 1,5 và đặt lề mỗi chiều để 2,5
  • Trình bày bài báo bằng những câu văn và đoạn văn hoàn chỉnh, tránh trình bày kiểu liệt kê các gạch đầu dòng.
  • Chữ viết tắt lần đầu được viết đầy đủ từ gốc và được giải thích. Có danh mục các chữ viết tắt.
  • Các mục chính được đánh theo số La mã (I, II…); mục nhỏ đánh theo hệ thống số A-rập (1.2; 1.2.1….) nhưng không quá 3 tầng số.
  • Sử dụng “Bảng” áp dụng cho bảng số liệu và “Hình” áp dụng chung cho các dạng biểu đồ, sơ đồ, hình ảnh minh họa. Các bảng hoặc hình được đánh số theo số thứ tự xuất hiện và dùng chữ đậm  như Bảng 1, Bảng 2,…hay Hình 1, Hình 2...).
  • Tiêu đề bảng và hình căn lề trái và dùng chữ thường nghiêng. Chữ trong bảng căn lề trái và không tô đậm.
  • Tổng số lượng bảng và hình không quá 6 cho mỗi bài. Mỗi bảng không nên chia quá 8 cột và 15 dòng. Ẩn vạch cột dọc và chỉ để một số vạch ngang.
  • Hình không để đường viền ngoài. Trình bày tên hình kèm theo phần giải thích các ký hiệu trong hình.
  • Dùng n cho mẫu và giá trị p trình bày theo số tính được với tối đa 3 chữ số thập phân cho xác xuất kiểm định hoặc p < 0,001 khi cần, hoặc trình bày như ví dụ 5 *10-6 khi cần trình bày giá trị p rất nhỏ)
  • Không viết tắt ở tiêu đề, tên bảng và tên hình trừ một số trường hợp đặc biệt. Hạn chế viết tắt trong bảng và hình.
  • Dưới bảng chú thích về dạng trình bày số liệu (ví dụ: trung bình± độ lệch chuẩn hoặc sai số chuẩn, trung vị (khoảng tứ phân vị), số lượng (%)) hoặc dạng phù hợp khác. Cần chú thích các chữ viết tắt trong bảng (nếu có) và tên các kiểm định thống kê thích hợp.
  • Các bảng và hình được lồng ghép vào bản thảo chính ở vị trí thích hợp, đồng thời gửi file ảnh gốc (đồ thị, hình ảnh) có độ phân giải tối thiểu 300 dpi tách riêng so với bài viết. 

 

ĐỊNH DẠNG TÀI LIỆU THAM KHẢO

  • Đánh số tài liệu tham khảo trong ngoặc vuông theo trình tự xuất hiện trong bài trích dẫn [1] hoặc [2, 5], [3, 6-9].
  • Chỉ trích dẫn những tài liệu liên quan trực tiếp đến công trình.
  • Trích dẫn tài liệu gốc, không trích dẫn qua tác giả khác.
  • Không tách riêng tài liệu tham khảo tiếng Việt và tiếng Anh, không trình bày theo thứ tự chữ cái A, B, C...
  • Không trích dẫn các trang mạng hay báo phổ thông hay các báo cáo hội nghị hội thảo chưa qua bình duyệt.
  • Nếu có nhiều tác giả trong tài liệu tham khảo, có thể trình bày 3 người đầu tiên và viết tắt là “và cs”. (tài liệu tiếng Việt) hoặc “et al.”.(tài liệu tiếng Anh).
  • Định dạng tài liệu tham khảo theo kiểu American Medical Association (AMA). Ví dụ cụ thể:

Tham khảo từ các công trình công bố

  1. Lê Danh Tuyên, Lê Thị Hợp, Nguyễn Công Khẩn, Hà Huy Khôi. Xu hướng tiến triển suy dinh dưỡng thấp còi và các giải pháp can thiệp trong giai đoạn mới 2011-2020. Tạp chí Dinh dưỡng và Thực phẩm. 2010;6(3+4):15–24.
  2. Vuong LN, Dang VQ, Ho TM, et al. IVF transfer of fresh or frozen embryos in women without polycystic ovaries. N Engl J Med. 2018;378(2):137–147.

Tham khảo từ sách (tiếng Việt, tiếng Anh):

  1. Viện Dinh dưỡng. Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam. Nxb Y học, Hà Nội, 2016:30–32.
  2. Lwanga SK, Lemeshow S. Sample size determination in health studies, A practical manual. World Health Organization. Geneva 1991:1–6.

Tham khảo từ chương/bài của sách:

  1. Chianelli RR, Daage M, Ledoux MJ. Fundamental studies of transition-metal sulfide catalytic materials. In Advances in Catalysis, Vol. 40, edited by Eley DD, Pines H, and Haag WO. 1994. Burlington, Mass.: Academic Press.

Tham khảo từ website {trích dẫn trực tiếp đến trang tham khảo}:

  1. WHO Multicentre Growth Reference Study Group: WHO Child Growth Standards: Length/ height-for-age, weight-for-age, weight-for-length, weight-for-height and body mass index-for-age: Methods and development. World Health Organization, Geneva 2006. Accessed August 5, 2016 at: http://www.who. int/childgrowth/standards/technical_report/en/ index.html.

 

ĐỊNH DẠNG RIÊNG TỪNG LOẠI BÀI BÁO

Bài báo nghiên cứu gốc (Original research)

Bài báo nghiên cứu gốc có độ dài không quá 3.500 từ và không quá 8 trang chuẩn), không quá 8 bảng và hình, kể cả bảng và hình, tài liệu tham khảo và phần tóm tắt tiếng Việt, tiếng Anh.

Trang đầu gồm 2 phần:

  • Tiếng Việt: Tên bài báo Việt, tên tác giả và cơ quan công tác, tóm tắt, từ khóa
  • Tiếng Anh: Tên bài báo, tên tác giả và tóm tắt (Summary), từ khóa

Phần Tóm tắt không quá 250 từ gồm các phần bắt đầu bằng chữ in đậm, dạng cấu trúc:

  • Mục tiêu: Trình bày mục tiêu của nghiên cứu.
  • Phương pháp: Trình bày thiết kế, cỡ mẫu và phương pháp chính thu thập số liệu và phân tích thống kê.
  • Kết quả: Trình bày kết quả chính đáp ứng theo mục tiêu nghiên cứu
  • Kết luận: Cần tóm tắt và khái quát các kết quả theo mục tiêu nghiên cứu
  • Từ khóa: Dùng chữ nghêng, chọn 3-5 từ khóa phản ánh nội dung nghiên cứu.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

  • Định nghĩa hoặc giới thiệu vấn đề nghiên cứu và tầm quan trọng
  • Tóm tắt các kết quả đã thực hiện và chưa được thực hiện về vấn đề nghiên cứu
  • Trình bày câu hỏi/vấn đề nghiên cứu cần giải quyết
  • Trình bày giả thuyết nghiên cứu và lý do hình thành giả thuyết (nếu có)
  • Lý do chọn đối tượng và địa bàn nghiên cứu
  • Cần có logic từ những phần trên, từ đó dẫn đến trình bày mục tiêu nghiên cứu.

II. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Thiết kế nghiên cứu và quần thể (nếu nghiên cứu trên quần thể)

Trình bày thành đoạn văn hoàn chỉnh phản ánh đầy đủ các nội dung sau:

  • Loại nghiên cứu (cắt ngang, bệnh-chứng, thuần tập, can thiệp, thực nghiệm, mô hình nghiên cứu…)
  • Đặc điểm quẩn thể nghiên cứu nếu nghiên cứu trên quần thể hoặc địa điểm nghiên cứu và thời gian nghiên cứu.
  • Nghiên cứu thông qua hội đồng y đức nào và mã số quyết định hoặc hội đồng khoa học nào đã xem xét vấn đề đạo đức trong nghiên cứu. Yêu cầu người tham gia hoặc người đại diện pháp lý (ví dụ: cha hoặc mẹ trẻ em) ký bản đồng ý tham gia nghiên cứu.

2.2. Đối tượng nghiên cứu

  • Đối tượng nghiên cứu
  • Tiêu chuẩn chọn
  • Tiêu chuẩn loại trừ

2.3. Cỡ mẫu và chọn mẫu

  • Công thức tính cỡ mẫu và các tham số để tính kèm tài liệu tham khảo.
  • Nếu không tính cỡ mẫu, trình bày lý do chọn số đối tượng tham gia nghiên cứu
  • Nếu chọn mẫu không ngẫu nhiên (chủ đích) cần trình bày theo chủ đích gì. Nếu chọn mẫu hay phân bổ mẫu ngẫu nhiên cần trình bày rõ phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên.
  • Quy trình, các giai đoạn/các bước chọn mẫu từ quần thể.
  • Kết quả mẫu thu được theo thực tế, bao nhiêu bỏ cuộc, lý do bỏ cuộc.

2.3. Phương pháp thu thập số liệu

  • Các loại số liệu và phương pháp thu thập (phỏng vấn trực tiếp...), đo lường, phân tích
  • Các loại mẫu hoặc bệnh phẩm (máu, huyết thanh, nước tiểu...) và cách lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển, điều kiện lưu trữ, thời gian từ khi lấy mẫu đến khi phân tích.
  • Các phương pháp xét nghiệm, thí nghiệm (kèm các loại hóa chất, sinh phẩm, tên máy móc, trang thiết bị, nước sản suất trình bày tương ứng với mỗi thí nghiệm, không tách thành mục riêng)
  • Các ngưỡng đánh giá và tài liệu tham khảo tin cậy hoặc trình bày cơ sở chọn ngưỡng phân loại các biến định lượng thành các biến định tính.
  • Phương pháp hạn chế sai số khi thu thập số liệu.

2.4. Phân tích thống kê

  • Quản lý số liệu, cách hạn chế sai số nhập số liệu.
  • Tiêu chuẩn đối tượng đủ tiêu chuẩn được đưa vào phân tích (nếu có).
  • Cách trình bày số liệu định tính, định lượng
  • Các kiểm định thống kê và mục đích kiểm định cho từng chỉ tiêu nghiên cứu.
  • Các mô hình phân tích được sử dụng và mục đích phân tích.
  • Nếu phân tích tìm yếu tố liên quan hoặc yếu tố nguy cơ cần thực hiện phân tích đa biến (nếu có).
  • Nếu chọn mẫu ngẫu nhiên, cần ước tính quy đổi cho toàn bộ quần thể nghiên cứu từ mẫu.
  • Các phương pháp phân tích để đánh giá hiệu quả can thiệp (nếu là nghiên cứu can thiệp)
  • Các phần mềm thống kê được sử dụng cho phân tích.
  • Ngưỡng giá trị p được xem là có ý nghĩa thống kê.

III. KẾT QUẢ

  • Trình bày kết quả theo mục tiêu, tối đa 8 bảng và hình. Cần chuyển hình có ít thông tin thành đoạn văn mô tả kết quả.
  • Không bàn luận, không trình bày ý kiến chủ quan trong phần kết quả.
  • Phần văn bản tóm tắt phát hiện chính từ số liệu trong bảng hoặc hình, không liệt kê lại số liệu đã trình bày trong bảng hay hình.

IV. BÀN LUẬN

Khi nghiên cứu có nhiều phát hiện, với mỗi phát hiện chính

  • Tóm tắt mỗi phát hiện chính
  • Giải thích kết quả, diễn giải kết quả, đánh giá mức độ
  • Cơ chế hình thành nếu có
  • So sánh kết quả với các nghiên cứu khác trong và ngoài nước
  • Khuyến nghị cho mỗi phát hiện. Không đưa ra các khuyến nghị không xuất phát từ kết quả của nghiên cứu.

Bàn luận về phương pháp (nếu cần)

Điểm mạnh và hạn chế của nghiên cứu

V. KẾT LUẬN

  • Tóm tắt hoặc khái quát kết quả nghiên cứu chính đã đạt được tương ứng với mục tiêu nghiên cứu.
  • Không viết liệt kê hoặc nhắc lại các số liệu đã trình bày ở phần kết quả.
  • Không gạch đầu dòng hay đánh số kết luận.
  • Có thể trình bày khuyến nghị chính.

Lời cảm ơn

  • Cần ghi nhận sự giúp đỡ của cá nhân, tập thể, cơ quan, tổ chức, dự án đã cộng tác, hỗ trợ để thực hiện nghiên cứu.
  • Ghi nhận cơ quan tài trợ và mã số đề tài (nếu có).

Tài liệu tham khảo: Số tài liệu tham khảo không quá 30, xem hướng dẫn chi tiết ở mục Định dạng tài liệu tham khảo.

 

Bài báo tổng quan (Review paper)

Bài báo tổng quan có độ dài không quá 4.500 từ (khoảng 10 trang chuẩn) kể cả hình ảnh, bảng biểu, tài liệu tham khảo và phần tóm tắt bằng tiếng Việt, tiếng Anh. Trang đầu gồm tên bài báo tiếng Việt, tên tác giả và cơ quan công tác, tóm tắt tiếng Việt, từ khóa và tiếng Anh theo định dạng chung của các bài báo.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

  • Giới thiệu vấn đề cần tổng quan
  • Lý do tiến hành tổng quan
  • Ý nghĩa của việc tổng quan chủ đề nghiên cứu
  • Quan điểm và cách tiếp cận của tác giả khi tổng quan vấn đề
  • Mục tiêu tổng quan

II. PHƯƠNG PHÁP TỔNG QUAN

  • Phạm vi tổng quan
  • Phương pháp tìm kiếm tài liệu,
  • Nguồn tài liệu, từ khóa sử dụng,
  • Tiêu chuẩn lựa chọn và loại trừ tài liệu,
  • Phương pháp thực hiện tổng hợp các nội dung

III. KẾT QUẢ

  • Trình bày kết quả tìm kiếm,
  • Tóm tắt thông tin về các bài báo được đưa vào tổng quan
  • Các kết quả tổng quan theo mục tiêu.
  • Có thể chia theo các tiểu mục theo quan điểm và cách tiếp cận của tác giả
  • Nên có nhận định xu hướng nghiên cứu trong tương lai về chủ đề tổng quan.
  • Nên ưu tiên những tài liệu được công bố trong thời gian gần nhất

IV. BÀN LUẬN

  • Bàn luận các kết quả đã tổng quan
  • Những kiến thức rút ra từ tổng quan
  • Các điểm thiếu hụt mà kết quả tổng quan chưa đề cập

V. KẾT LUẬN

  • Khái quát kết quả tổng quan. Không viết nhắc lại các số liệu đã trình bày ở phần kết quả. Không gạch đầu dòng hay đánh số kết luận.

Lời cảm ơn: Cảm ơn sự giúp đỡ của cá nhân, tập thể, đề tài, cơ quan và/hoặc tổ chức đã hỗ trợ để thực hiện bài tổng quan này.

Tài liệu tham khảo: Số tài liệu tham khảo không quá 100, xem hướng dẫn chi tiết ở mục Định dạng tài liệu tham khảo.

 

Bài báo nghiên cứu trường hợp

Bài báo nghiên cứu trường hợp có độ dài không quá 3.000 từ và không quá 7 trang chuẩn), không quá 5 bảng và hình, kể cả bảng và hình, tài liệu tham khảo và phần tóm tắt tiếng Việt, tiếng Anh. Trang đầu gồm tên bài báo tiếng Việt, tên tác giả và cơ quan công tác, tóm tắt tiếng Việt, từ khóa và tiếng Anh theo định dạng chung của các bài báo.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

        Giới thiệu để độc giả hiểu rõ bối cảnh xã hội và bối cảnh lịch sử của ca bệnh, giúp độc giả biết rõ được lợi ích khi đọc được thông tin của ca bệnh.

II. GIỚI THIỆU CA BỆNH

        Mô tả hoàn cảnh phát hiện ca bệnh, kế hoạch, quy trình quản lý và điều trị, kết quả điều trị.

III. BÀN LUẬN

        Trình bày những lý giải về hoàn cảnh phát sinh ca bệnh và kết quả thu được.

IV. KẾT LUẬN

Cần nêu rõ ràng kết luận chính rút ra từ ca bệnh, giải thích rõ tầm quan trọng và mức độ ảnh hưởng, đóng góp cho y học và tiền đề cho những nghiên cứu/tiến bộ y học trong tương lai.

Lời cảm ơn: Cảm ơn sự giúp đỡ của cá nhân, tập thể, đề tài, cơ quan và/hoặc tổ chức đã hỗ trợ để thực hiện bài tổng quan này.

Tài liệu tham khảo: Số tài liệu tham khảo không quá 30, xem hướng dẫn chi tiết ở mục Định dạng tài liệu tham khảo.

 

Bài bình luận

  • Bài bình luận không quá 1.500 từ (không quá 3 trang), bao gồm cả các bảng, hình, tài liệu tham khảo).
  • Là những bài viết mang tính nhận định, bình luận, đánh giá, đóng góp ý kiến, phỏng vấn về những vấn đề thuộc lĩnh vực dinh dưỡng và thực phẩm, trước hết là các vấn đề đang nổi lên và có ý nghĩa khoa học, ý nghĩa thực tiễn nổi trội. Mục đích là tạo ra một diễn đàn rộng rãi cho các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, nhà sản xuất, kinh doanh..., nhằm phục vụ sức khỏe cộng đồng ở những góc nhìn mang tính khoa học.
  • Định dạng: Tên bài; Nội dung bài (có thể chia thành nhiều mục nhỏ), trong đó trình bày mục đích bài viết, các quan điểm, nhận định, bình luận, đánh giá của tác giả; Kết luận: Những ý kiến mang tính chủ đạo cho bài viết và ý kiến đóng góp, đề xuất (nếu có); Tên tác giả và địa chỉ. Trích dẫn và viết tài liệu tham khảo theo quy định chung.

 

Giới thiệu sách hoặc tư liệu

  • Mỗi bài giới thiệu không quá 1200 từ (khoảng 2 trang chuẩn).
  • Giới thiệu sách là bài viết điểm về những cuốn sách hoặc tài liệu (chuyên khảo, tham khảo, giáo khoa, giáo trình, hướng dẫn) về các vấn đề mới tại Việt Nam trong lĩnh vực Dinh dưỡng và thực phẩm.
  • Định dạng: Tên sách hoặc tài liệu; Tên tác giả, nhà xuất bản; khổ sách, số trang, số tài liệu tham khảo; Nội dung và hình thức của sách; Cách tiếp cận với sách/tài liệu. Tên tác giả bài viết giới thiệu. Có thể kèm theo ảnh dạng pdf của cuốn sách hay tài liệu.
  • Giới thiệu tư liệu là bài giới thiệu (toàn văn hoặc trích đoạn) các văn bản có tính pháp quy, những tư liệu mang tính hướng dẫn chính thống cho những vấn đề đang nổi lên thuộc lĩnh vực dinh dưỡng và thực phẩm trong nước và quốc tế đã công bố trong thời gian gần nhất.
  • Định dạng: Tên văn bản/tư liệu; Nội dung cốt yếu của văn bản/tư liệu (toàn văn, tóm tắt  hoặc trích đoạn); Tên cơ quan/tổ chức ban hành; Tác giả viết bài và địa chỉ.

Thông tin khoa học:

Thông tin khoa học cần có tính mới đối với khoa học trong nước.

Bài báo có độ dài không quá 4.000 từ (khoảng 9 trang chuẩn) kể cả hình ảnh, bảng biểu, tài liệu tham khảo và phần tóm tắt bằng tiếng Việt, tiếng Anh.

Trang đầu gồm tên bài báo tiếng Việt, tên tác giả và cơ quan công tác, tóm tắt tiếng Việt, từ khóa và tiếng Anh theo định dạng chung của các bài báo.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

  • Giới thiệu vấn đề 
  • Lý do tiến hành 
  • Mục tiêu của bài báo

II. NỘI DUNG CHÍNH

  • Trình bày các thông tin khoa học phù hợp với mục tiêu bài báo
  • Chú ý trích dẫn nguồn tài liệu tham khảo gốc cho các thông tin 
  • Bàn luận về giá trị và ý nghĩa của thông tin khoa học đối với nghiên cứu, giảng dạy, khả năng ứng dụng và phát triển lĩnh vực trong nước.

III. KẾT LUẬN

  • Khái quát kết quả. 
  • Có thể có những định hướng tương lai.

Lời cảm ơn: Cảm ơn sự giúp đỡ của cá nhân, tập thể, đề tài, cơ quan và/hoặc tổ chức đã hỗ trợ để thực hiện bài báo này.

Tài liệu tham khảo: Số tài liệu tham khảo không quá 80, xem hướng dẫn chi tiết ở mục Định dạng tài liệu tham khảo.

Bài thông tin tóm tắt và bài dịch:

  • Bài thông tin không quá 600 từ (khoảng 1 trang chuẩn).
  • Cần có đầy đủ tài liệu tham khảo và nguồn số liệu trích dẫn. Các thông tin phải ghi rõ xuất xứ; các bài dịch (toàn văn, trích đoạn hoặc lược dịch) đều phải kèm theo bản chụp toàn văn các tài liệu gốc bằng tiếng nước ngoài.
  • Là những bài viết mang tính thông tin về kết quả nghiên cứu khoa học hoặc các sự kiện khoa học - công nghệ liên quan đến lĩnh vực dinh dưỡng và thực phẩm ở trong và ngoài nước, công bố trong thời gian gần nhất. Có thể là bài viết lần đầu, bài dịch hay biên dịch từ tài liệu nước ngoài, bài toàn văn hay trích đăng từ tư liệu của các chương trình, dự án.
  • Định dạng: Tên bài; Nội dung chính của thông tin và sự kiện; Tên tác giả viết bài và địa chỉ.
  • Nếu là bài dịch hoặc bài trích đăng cần ghi rõ tư liệu gốc và được sự đồng ý của tác giả và nhà xuất bản nếu giữ bản quyền.